Với quan điểm, khi thực sự đầu tư mạnh vào giá trị bên trong dự án thì giá trị gia tăng của bất động sản sẽ không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường bên ngoài, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng hệ thống tiện ích dự án, đặc biệt ở phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang.
Công trình Van Phuc Water Show chính thức khánh thành
Mới đây, Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc (Van Phuc Group) gây bất ngờ khi khánh thành công trình nhạc nước với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 200 tỷ đồng tại KĐT Vạn Phúc City (Tp.Thủ Đức). Đây là công trình có quy mô và hiện đại hàng đầu Đông Nam Á do tổ chức kỷ lục Việt Nam ghi nhận, có sức chứa trên 5.000 người. Được biết, khu đô thị quy mô gần 200 ha này đã đầu tư tổng cộng 15.000 tỉ đồng vào tiện ích, hạ tầng dự án trong 8 năm phát triển.
Tương tự, dự án Vinhome Grand Park cũng từng gây ấn tượng với bất động sản khu Đông Tp.HCM khi đầu tư hơn 160 tiện ích nội khu quy mô. Trong đó, có công trình đại công viên ven sông quy mô hàng đầu Đông Nam Á rộng 36ha là điểm nhấn. Với quy mô dự án hơn 270ha, đây là khu đô thị được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào tiện ích, cảnh quan.
Thị trường bất động sản phía Nam cũng từng chứng kiến một số dự án bất động sản khu đô thị đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng để phát triển cảnh quan, tiện ích tạo nên cuộc đua sôi nổi. Phải kể đến dự án Mizuki Park 26ha tại khu Nam Tp.HCM; dự án Waterpoint quy mô 355ha tại Bến Lức, Long An; Aqua City 1.000ha, Izumi City170ha tại Biên Hoà, Đồng Nai…
Hay, mới đây, người tìm mua nhà bị thu hút bởi dòng sản phẩm căn hộ của một dự án ở Tp.Thủ Đức khi có điểm nhấn kiến trúc xanh 3D độc đáo. Mỗi tòa tháp tại đây được bao phủ bởi 24 khu vườn treo thẳng đứng xung quanh. Chưa hết, hồ bơi nội khu tại đây được chủ đầu tư cho biết thiết kế theo chuẩn Olympic.
Trong khi đó, một dự án ở Đồng Nai bám sát dòng sông Sài Gòn, mạnh tay chi cho các tiện ích như bến du thuyền 5 sao, quảng trường mặt trời, bảo tàng xe hơi, đường chạy bộ ven sông… với chi phí hàng trăm tỉ đồng.
Chi hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư tiện ích trong các dự án đang là “át chủ bài” của các doanh nghiệp, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhờ mạnh tay đầu tư hàng chục triệu USD nâng cấp hạ tầng cảnh quan và tiện ích, một số dự án khu đô thị tại Tp.HCM và vùng phụ cận đã được giới nhà giàu mở hầu bao xuống tiền. Đầu tư vào tiện ích cảnh quan vừa là cách mà các ông lớn bất động sản gây dựng thương hiệu, vừa cạnh tranh thu hút khách hàng trong bối cảnh thị trường biến động. Đây được xem là “át chủ bài” của các chủ đầu tư giữa thời điểm thị trường khó khăn.
Từng chia sẻ về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp bất động sản phía Nam cho rằng, ở các dự án bất động sản hiện nay câu chuyện hạ tầng chỉ là 1 vế, câu chuyện về tiện ích sống, đáp ứng được nhu cầu ở thực của người dân mới là quan trọng. Một số doanh nghiệp tập trung làm kỹ sản phẩm, phát triển chiều sâu không theo chiều ngang là cũng xuất phát từ câu chuyện ở thực này.
“Làm sản phẩm bất động sản đích cuối cùng là thu hút được người dân về ở. Đây là bài toán cân đối giữa việc đầu tư và nhu cầu sở hữu”, vị này nhấn mạnh.
Thực tế, đây không phải là bài toán dễ. Để đầu tư được hạ tầng, tiện ích nội khu chỉn chu phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án và tâm huyết của chủ đầu tư đó. Chẳng hạn, có những khu vực ban đầu nhìn vào không có tiềm năng nhưng chủ đầu tư lại làm tốt cả về hạ tầng lẫn đầu tư tiện ích thì nó cũng trở thành khu đáng sống.
Hay có những vùng sâu xa nhưng chủ đầu tư có tầm nhìn, phát triển được hệ sinh thái cộng hưởng, các công trình thiết thực, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, sống tiện ích của cư dân thì vẫn thu hút người vào ở thực.
Cũng theo các doanh nghiệp, tiện ích nội khu tạo giá trị vô hình cho dự án, ít phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường. Đó là lý do, dù bất động sản giảm giá, tại một số dự án khu đô thị, giá nhà phố, biệt thự hay căn hộ vẫn biến động tăng đều theo sự hình thành của tiện ích nội khu. Tuy vậy, mức tăng có phần chững hơn so với trước đây.
Thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc đặt mục tiêu ngay từ ban đầu là phát triển bền vững chứ không phải tối ưu hóa lợi nhuận. Đa số những doanh nghiệp này thường làm khá ít dự án trong năm, thậm chí có doanh nghiệp 5-10 năm theo đuổi một dự án quy mô. Theo đó, câu chuyện đầu tư tiện ích được doanh nghiệp chú trọng làm lợi thế cạnh tranh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cộng với việc khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, không gian sống thì việc các chủ đầu tư phải chi nhiều tiền hơn cho việc xây dựng các tiện ích, dịch vụ cao cấp phục vụ khách hàng là điều phải làm để lôi kéo khách, bán được hàng. Sự khác biệt ở việc đầu tư các tiện ích, dịch vụ độc, lạ tại các dự án bất động sản không chỉ thu hút khách hàng xuống tiền mua nhà mà nó còn tạo lập thương hiệu cho dự án, chủ đầu tư.
Quan sát cho thấy, nhóm khách hàng mua bất động sản cao cấp đều là những người khá kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư hoặc để ở. Do đó, họ không chỉ nhìn nhận về góc độ giá cả, chất lượng công trình mà ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về thiết kế kiến trúc, không gian sống, tiện ích… mang tính đẳng cấp, thời thượng. Chính điều này đã làm cho cuộc đua cạnh tranh tiện ích giữa các dự án ngày càng trở nên gay gắt.
Không chỉ bất động sản nhà ở, cuộc đua giữa các ông chủ dự án bất động sản nghỉ dưỡng thông qua việc chi hàng trăm tỷ cho loạt tiện ích phục vụ du khách cũng đã bắt đầu mấy năm gần đây.
Trước đây, vị trí đắc địa luôn được xem là yếu tố then chốt giúp các dự án gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, khi nhu cầu sống và hưởng thụ của khách hàng ngày càng cao, những dự án được đầu tư hạng mục tiện ích chỉn chu chiếm được nhiều lợi thế hơn.
Theo Cafef
Tìm Hiểu Thêm Thông Tin Dự Án
Website : https://batdongsandatvang.com.vn
Hotline : 086 79 79 088 & 028 540 99999